Việt Nam: Học sinh lớp 6 lấy 30 triệu đồng của bố đi chia cho cả lớp

Báo Nhật – Một tình huống xảy ra tại trường THCS Nha Trang (Thái Nguyên) khi giáo viên chủ nhiệm tá hỏa thấy học sinh của mình m.ang rất nhiều tiền để chia cho cả lớp tiêu. Đây là một trong những câu chuyện “dở khóc, dở cười” xảy ra hàng ngày nếu như giáo viên không có phương pháp xử lý đúng sẽ đưa mọi chuyện trở nên xấu hơn.

gày hôm nay (27/12), tại Hà Nội, bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện quyết định số 1501/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” (Đề án 1501).

Đánh giá về Đề án này, từ cơ sở, những giáo viên là người cảm nhận được sự thay đổi rõ ràng nhất. Họ có một bộ khung để thực hiện tốt hơn nữa việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh, một việc xưa nay gặp không ít những khó khăn trong thực hiện.

Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng

“Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống” nghe thì có vẻ như là một điều rất lớn lao, nhưng theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường THCS Nha Trang (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho rằng điều này xuất phát từ chính những hành động rất đời thường của giáo viên.

“Ở đây, vai trò của giáo viên chủ nhiệm là rất quan trọng, các thầy cô cần phải biết làm thế nào để quan tâm, giáo dục “phần người” của học sinh một cách khéo léo, thực tế hơn. Không phô trương, hào nhoáng mà vẫn hiệu quả”, bà Lan nói.

Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường THCS Nha Trang (TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên)

Để dẫn chứng cho điều này, bà Lan kể về một trong những câu chuyện đã xảy ra ở trường để thể hiện rằng nếu như giáo viên chủ nhiệm là người không sát sao với học sinh của mình thì về lâu về dài sẽ để lại hệ quả lớn.

“Đợt vừa rồi, một giáo viên chủ nhiệm lớp 6 của chúng tôi đột nhiên thấy học sinh trong lớp của mình ai cũng có nhiều tiền. Bạn ít thì tiền trăm, có bạn lên tới tiền triệu. Thực tế, trước khi vào học, chúng tôi đã cùng thống nhất với phụ huynh là không nên cho con cầm nhiều tiền khi đi học, nên khi thấy việc này cô giáo đã thấy đây là việc rất lạ.

Nhận thấy điều này, cô giáo đã dò hỏi học sinh thì được biết nguyên nhân là do một bạn trong lớp đã chia cho mọi người. Người ít thì bạn này cho 100 nghìn đồng, người nhiều cho tới 2 triệu đồng. Sau đó, chính bạn học sinh này đã khai nhận rằng đã lấy trộm tiền của bố”, bà Lan kể.

“Rõ ràng, nếu không tinh tế và sát sao với trò thì cô giáo không thể phát hiện và chặn đứng một việc làm xấu từ những đứa trẻ rất ngây thơ, chưa nhận thức được sự việc”, vị Hiệu trưởng nhận định.

Bà Lan cũng cho biết, sau khi thu hồi lại toàn bộ số tiền mà học sinh này chia cho các bạn nhà trường đã mời phụ huynh của em này lên làm việc, bàn giao lại số tiền và đặc biệt là phải quản lý tiền chặt chẽ cũng như răn dạy học trò để không có những sự việc như vậy xảy ra.

Vị Hiệu trưởng cho rằng, từ khi có Đề án 1501 đã có những thay đổi rất tích cực trong nhà trường. Mỗi giáo viên sẽ đóng vai trò là một nhà tư vấn tâm lý cho học sinh, để lắng nghe thấu hiểu những tâm tư của trò, từ đó khiến cho các con có thể thấy một môi trường gần gũi như gia đình. Đó là nền tảng để học sinh thay đổi căn bản đạo đức và lối sống.

“Chìa khóa” mang tên gia đình và nhà trường

“Các thầy cô giáo luôn xác định học trò là con mình, để lắng nghe và thấu hiểu. Để rồi phối hợp với gia đình các em trong việc dạy dỗ, lắng nghe từng quá trình trưởng thành của con. Đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh cấp 3, có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý”, bà Ngô Thị Quyên – Hiệu trưởng THPT Gang Thép (Thái Nguyên) bày tỏ.

Bà Ngô Thị Quyên – Hiệu trưởng THPT Gang Thép (Thái Nguyên)

Chúng ta đều biết rằng, trong thực tế, trong môi trường xã hội mà trẻ sống, học tập và phát triển; bên cạnh các mặt tác động tốt, các ảnh hưởng tích cực luôn luôn tồn tại, còn hàm chứa các yếu tố có thể gây nguy hại đến sự phát triển nhân cách của trẻ và với đặc điểm hiếu động và ít vốn sống, dễ bắt chước theo, dần dần trở thành thói quen xấu, tác động tiêu cực đến sự phát triển nhân cách của trẻ.

Nhất là khi thiếu sự phối hợp đúng đắn, thiếu sự thống nhất tác động giáo dục giữa nhà trường và gia đình, hậu quả xấu trong giáo dục sẽ xuất hiện, nếu không kịp thời khắc phục hậu quả sẽ rất tai hại.

Trong nhiều năm nay, đặc biệt là từ khi thực hiện Đề án 1501 của Chính phủ trường THPT Gang Thép luôn xác định việc phối hợp với gia đình chính là “chìa khóa” trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh của mình.

“Mấu chốt của việc này là làm sao để cả nhà trường và gia đình hiểu được học sinh của mình, để rồi từ đó mới có thể đưa ra những phương pháp giáo dục hiệu quả.

Chúng tôi nhận thấy hạn chế là thời gian để chia sẻ, lắng nghe tâm tư của học sinh còn ít. Tôi nhớ một câu chuyện buồn cách đây nhiều năm, khi một học sinh nữ có những biểu hiện (LGBT – người đồng tính) thiếu đi sự chia sẻ của gia đình. Bạn ấy đã rất áp lực, không được sống thật với bản thân khi bị anh trai băm những bộ quần áo được thiết kế cho con trai mà bạn ấy mặc. Bố mẹ thì cũng thường xuyên nhiếc mắng.

Sự việc bị đẩy lên đỉnh điểm khi bạn ấy uống thuốc ngủ tử tự, rất may là được phát hiện kịp thời. Sau đó  chúng tôi đã “làm công tác tư tưởng” với gia đình để cùng thống nhất tạo cho bạn ấy một môi trường xung quanh thân thiện, cởi mở”, bà Ngô Thị Quyên kể về 1 bài học lớn giúp cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh của nhà trường có sự thay đổi rõ rệt.

Vị nữ Hiệu trưởng cho hay: “Về phía nhà trường, sau trường hợp đầu tiên ấy, chúng tôi ngay lập tức nhận thức đây sẽ không phải là trường hợp duy nhất. Chính vì vậy, nhà trường đã mời các chuyên gia về tổ chức những buổi tư vấn tâm lý, nói chuyện về cộng đồng LGBT. Những tin nhắn dài hàng trang của học sinh nhắn tới số của tôi khiến tôi hiểu rằng, trường đã làm đúng, để phát triển một con người thì cần cho họ nói và mình cần lắng nghe và chia sẻ”.

Còn những khó khăn cần được giải quyết

Có những điều kiện tốt hơn về kinh tế khi được sự quan tâm lớn của các cấp chính quyền cũng như từ phụ huynh, chính vì thế những năm qua trường THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn thực hiện tốt công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Những giờ hoạt động ngoại khóa, buổi tư vấn tâm lý, thể dục thể thao được diễn ra liên tục mang lại nhiều hiệu quả và chuyển biến tích cực.

Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn trong một giờ thể dục giữa giờ.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những “rào cản” khiến cho công tác này ở nhà trường trở nên tốt hơn nữa. Bà Lê Thị Kim Ánh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trong quy định thì bắt buộc phải có một phòng tư vấn tâm lý học đường cho học sinh. Tuy nhiên, do biên chế không cho phép nên phải cho giáo viên khác kiêm nhiệm. Nếu có một thầy cô làm chuyên thì chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên (bộ GD&ĐT) cho biết, nội dung chương trình giáo dục kỹ năng sống lồng ghép vào các môn Đạo đức, Giáo dục Công dân, Văn học, Địa lý… trong giờ học chính khóa. Cùng với đó, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể thông qua các phong trào thi đua.

Tuy nhiên, ông Linh cũng phải thừa nhận trong quá trình thực hiện đề án này cũng gặp không ít những khó khăn.

Ông Linh nói: “Quả thật, giáo dục kỹ năng sống cũng bộc lộ một số hạn chế trong quá trình triển khai khi nội dung đa phần lồng ghép, tích hợp với các môn học, chưa được xây dựng hẳn thành chương trình riêng trong chương trình phổ thông. Cơ sở vật chất, thiết bị trong trường học mới chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy kiến thức cho học sinh, chưa đáp ứng hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Các hoạt động chủ yếu tổ chức trong phòng học, hội trường.

Theo số liệu báo cáo, mới có 70% sinh viên tham gia giáo dục kỹ năng sống. Chưa kể, hầu hết các trường đại học tổ chức đào tạo theo tín chỉ nên khó khăn trong việc tập trung sinh viên để tổ chức hoạt động tập thể, giáo dục kỹ năng sống. Nhiều sinh viên khó khăn về kinh tế, phải đi dạy thêm, làm thêm, nên ít có thời gian tham gia hoạt động kỹ năng sống”.

Ông Bùi Văn Linh.

Ông Linh cũng cho rằng, công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên dạy kỹ năng sống gặp nhiều khó khăn, lúng túng (chưa được tập huấn bài bản về giáo dục kỹ năng sống, nguồn tài liệu hạn chế, tiêu chí đánh giá chất lượng chưa cụ thể…). Hàng năm, mới có khoảng trên 85% giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông được tham gia tập huấn. Cùng với đó, kinh phí dành cho giáo dục kỹ năng sống hạn chế. Nhiều trường không có kinh phí riêng để triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, nên các hoạt động chưa chuyên sâu.

Bên cạnh đó, hoạt động các câu lạc bộ sở thích, tài năng, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của sinh viên trong các cơ sở đào tạo chưa bài bản, kinh phí thiếu, chưa có kế hoạch phù hợp, quy định hỗ trợ sinh viên tham gia điều hành các câu lạc bộ chưa bảo đảm, nên chất lượng chưa được như mong muốn.

“Giáo dục kỹ năng sống không dừng lại ở việc giảng dạy trong các nhà trường, do đó rất cần đến sự chung tay góp sức của tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội, đặc biệt là từ phía phụ huynh học sinh”, ông Linh nhận định rằng để thực hiện tốt hơn nữa Đề án này thì trong thời gian tới cần có sự phối hợp tốt giữa nhà trường và phụ huynh cũng như toàn xã hội.

Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên nhi đồng 3 năm qua được đẩy mạnh, hình thức phong phú, sinh động. Việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục  lý tưởng cách mạng đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên và nhi đồng được triển khai ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo đã tạo hiệu quả rõ rệt.

Nguồn: Báo Người Đưa Tin

5/5 - (3 bình chọn)
Đang tải...