Thành công ấn tượng của Việt Nam trước thềm Đại hội XIII

Trước thềm Đại hội lần thứ XIII, báo chí nước ngoài liên tục đăng tải nhiều bài viết ca ngợi những thành công của Việt Nam trong năm 2020, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Báo Nga: Dấu mốc thể hiện sự phát triển của Nhà nước Việt Nam

Trang mạng Infox.ru của Nga ngày 28/12 đã đăng bài viết với nhan đề “Lên tầm cao mới: Việt Nam trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII” của tác giả Grigory Trofimchuk, một chuyên gia trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia, thuộc Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á – Âu”.

Trong đó, tác giả khẳng định những thành công trong phát triển chính trị, kinh tế, xã hội vừa qua của Việt Nam là nhờ đường lối chiến thuật, chiến lược do Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, có tính đến mọi biến động trên thế giới, khu vực và trong nước, kịp thời có những điều chỉnh cần thiết trong các chương trình, kế hoạch dài hạn.

Kỷ niệm 90 năm thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu sự trưởng thành của mình với các kỳ đại hội 5 năm một lần. Đây cũng là những dấu mốc đáng chú ý nhất, thể hiện sự phát triển của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Mục tiêu chính của Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XIII sắp tới của Việt Nam là đưa đất nước lên một giai đoạn phát triển mới, song đây không đơn thuần chỉ là một giai đoạn phát triển thông thường, mà sẽ là một sự trỗi dậy thực sự của Việt Nam, tiếp nối ngay sau thời kỳ “Đổi mới” quy mô lớn, bắt đầu từ năm 1986.

Một trong những yếu tố làm nên thành công của Việt Nam, chính là “công tác cán bộ”. Tác giả dẫn bài phát biểu mới đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc tổng kết công tác tổ chức đại hội đảng bộ các cấp vừa qua, theo đó, khẳng định cán bộ là cơ sở của mọi vấn đề.

Tác giả Trofimchuk ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự gần gũi với người dân. Đảng không bao giờ che giấu những gì có thể cản trở sự phát triển và tiến bộ. Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, Việt Nam đặc biệt chú ý tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nơi mọi vấn đề được thảo luận chi tiết và được báo chí đưa tin rộng rãi.

Một thực tế được báo chí Việt Nam thường xuyên đăng tải, đó là trong thời gian tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, “các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc sự thật, phá hoại mục tiêu, tư tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước, nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa và công tác cán bộ trước thềm Đại hội, nhằm giảm uy tín của Đảng, phủ nhận thành quả của cách mạng Việt Nam, cũng như mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng”…

Tuy nhiên, theo ông Trofimchuk, giới lãnh đạo Việt Nam luôn nhận thức đầy đủ âm mưu của các thế lực thù địch, luôn thấm nhuần cách thức và phương pháp ngăn chặn các khuynh hướng thiếu lành mạnh, thậm chí nguy hiểm trong các lĩnh vực chính trị, xã hội. Hơn thế, lãnh đạo Việt Nam rất tài tình trong công tác tuyên truyền, thuyết phục và giải thích để người dân hiểu rõ đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước.

Báo Indonesia: Quốc gia năng động với rất nhiều câu chuyện thành công

Tờ Jakarta Post số ra ngày 28/12 có đăng bài viết nhan đề “Học hỏi từ cách thức chống dịch Covid-19 của Việt Nam”, trong đó cho rằng các nước nên học hỏi nhiều hơn từ cách thức quản lý đại dịch hiệu quả của Việt Nam.

Trong bài viết, nhà báo danh tiếng của Indonesia – ông Veeramalla Anjaiah – cho biết Việt Nam là quốc gia năng động với rất nhiều câu chuyện thành công về tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, đầu tư hay du lịch. Câu chuyện thành công mới nhất của Việt Nam là trong lĩnh vực y tế. Với 97,75 triệu dân và có đường biên giới dài với Trung Quốc, Việt Nam chỉ có 1.438 ca nhiễm Covid-19 và 35 ca tử vong tính đến ngày 25/12. Đây là một trong số ít quốc gia trên thế giới đã đạt được thành công lớn trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, Indonesia có tới 700.097 ca mắc Covid-19 và 20.847 ca tử vong tính đến ngày 25/12, nhiều nhất Đông Nam Á và nhiều thứ 3 châu Á, sau Ấn Độ và Iran.

Nhà báo Anjaiah cho rằng điều ngạc nhiên là một quốc gia đang phát triển như Việt Nam lại có thể có một hệ thống y tế tốt hơn và cơ chế điều hành hiệu quả hơn vào thời điểm mà hầu hết các nước phát triển đang phải vật lộn để ứng phó đại dịch Covid-19.

Dẫn lời Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Phạm Vinh Quang, Jakarta Post cho biết có rất nhiều yếu tố đưa đến thành công của Việt Nam, trong đó quan trọng hàng đầu là ứng phó tức thì với đại dịch. Việt Nam đã dự báo chính xác tác động của đại dịch và hành động quyết liệt từ đầu tháng 1/2020, ngay cả trước khi virus xuất hiện trong nước.

Báo AnhViệt Nam đầy hứa hẹn trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Báo Financial Times (Anh) ngày 28/12 cho biết các công ty đa quốc gia đang rốt ráo xây dựng cơ sở tại Việt Nam do nước này đã khẳng định vị thế vững chắc với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu và mạng lưới hiệp định thương mại tự do (FTA) ngày càng mở rộng, gồm cả FTA mới đây với EU (EVFTA) và Anh (UKVFTA). Việt Nam đang trở thành điểm đầy hứa hẹn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tờ báo dẫn lời chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital tại Thành phố Hồ Chí Minh Michael Kokalari nhận định ngày càng có nhiều công ty nước ngoài đang chuyển hoạt động sản xuất sang Việt Nam, trong đó có Apple.

Hiện những doanh nghiệp mới chuyển đến Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Đó là thị trường lao động của Việt Nam không lớn như Trung Quốc, trong khi nhu cầu đất công nghiệp ngày càng tăng, đặc biệt là khu vực quanh Thành phố Hồ Chí Minh. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vốn đã trong tình trạng quá tải trong khi sân bay Long Thành đang được xây dựng, song dự kiến tới năm 2025 mới hoàn tất và đưa vào khai thác.

Bên cạnh đó, nhiều linh kiện được sử dụng để sản xuất các sản phẩm giá trị cao ở Việt Nam, từ vi mạch cho đến điện thoại thông minh, vẫn phải lấy nguồn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) hoặc các nơi khác và được chuyển đến để lắp ráp ở Việt Nam.

Tuy vậy, giới kinh doanh vẫn nhận định thị trường Việt Nam đang “thích nghi” với tất cả những khó khăn, ngay cả trong bối cảnh đại dịch. Việt Nam vẫn duy trì được những con số ấn tượng. Bất chấp đại dịch, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ giảm 2% trong năm 2020 (tính đến tháng 11), ở mức 17,2 tỷ USD. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng hơn 2,9% trong năm 2020, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, và chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2021.

Theo Báo Quốc tế

Rate this post
Loading...