Những người siêu giàu tại Nhật Bản đang ngày càng trở nên giàu có hơn dưới thời thủ tướng Shinzo Abe

Báo Nhật – Số hộ gia đình siêu giàu tại Nhật Bản đã tăng lên gấp đôi kể từ năm 2011, đạt số lượng cao kỉ lục, nhờ vào giá cổ phiếu tăng và sự mở rộng kinh tế, một dấu hiệu cho thấy được phân khúc xã hội này đã được hưởng lợi nhiều nhất từ Abenomics – các chính sách kinh tế dưới thời thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Cụ thể hơn, số hộ gia đình có tài sản tài chính ròng đạt ngưỡng tối thiểu là 500 triệu yen (4,4 triệu USD) đã tăng lên thành 84.000 hộ vào năm ngoái, theo các dữ liệu thống kê 2 năm/ lần của Viện nghiên cứu Nomura bắt đầu từ năm 2000. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giới siêu giàu Nhật Bản hiện đã chiếm khoảng 0,16% tổng số các hộ gia đình tại Nhật Bản.

Trước đó, theo báo cáo tài chính của công ty tư vấn Capgemini có trụ sở tại Paris công bố vào tháng 6, ước tính có khoảng 18,1 triệu người trên thế giới có đủ điều kiện để trở thành những người “có giá trị ròng cao” (high net worth individuals – HNWT). Đó là những cá nhân giàu có về mặt kinh tế, sở hữu tối thiểu 1 triệu đô la Mỹ để đầu tư. Điều đặc biệt hơn, chỉ xếp sau Hoa Kì về số lượng những người siêu giàu này với 5.285.000 người chính là Nhật Bản, với hơn 3.162.000 người. Số lượng các HNWI tại Nhật đã tăng lên 9,4% so với báo cáo năm trước.

Điều đáng chú ý hơn, trong khi tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản chỉ chiếm khoảng 6% GDP thế giới thì số lượng các cá nhân HNWI tại Nhật Bản lại chiếm đến 17% trong tổng số những người siêu giàu trên toàn thế giới, điều đó chứng tỏ rằng Nhật Bản đang ngày càng củng cố vững chắc hơn vị trí đất nước hàng đầu về triệu phú của mình.

Trái ngược với thực tế này, chính là mức thu nhập trung bình cả đời của một người làm công ăn lương bình thường ở Nhật Bản được ước tính ở mức 200 triệu yen. Vậy thì tại sao lại xuất hiện những sự đối lập này, và tại sao giới triệu phú đô la tại Nhật Bản lại ngày một trở nên giàu có? Sự khác biệt nằm trong sự phân phối về thu nhập. Trong 5 năm kể từ lúc Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu lên nắm quyền, GDP thực tế đã tăng lên 7% nhưng tiền lương thực tế lại giảm xuống 4%.

Nói cách khác, kết quả tăng trưởng kinh tế của đất nước đã chỉ chảy vào túi và két sắt của những công dân giàu có nhất, những người đã làm giàu thêm được cho đống tài sản của mình nhờ vào chi phí thu được từ những lao động bình thường với mức thu nhập trung bình kể trên.

Nguồn: Bloomberg, Japan Today

3/5 - (1 bình chọn)
Đang tải...