Tạp chí Nhật Bản bị chỉ trích dữ dội vì đăng bài xếp hạng những trường đại học có nữ sinh dễ dãi nhất

Báo Nhật – Tạp chí “Spa!” ở Nhật Bản đã phải công khai xin lỗi độc giả vào hôm thứ ba 8/1, sau khi họ đăng bài viết xếp hạng những trường đại học có nữ sinh dễ dãi nhất, sẵn sàng “tình một đêm” sau khi tiệc tùng.

Bài viết này đăng vào ngày 25/12/2018, lập tức gây tranh cãi dữ dội, nhất là khi một phụ nữ mở chiến dịch kêu gọi tạp chí Spa! phải xin lỗi và đình bản.

Kiến nghị của cô xuất hiện trên nền tảng phổ biến Change.org, cáo buộc tờ tạp chí là “dung tục, xúc phạm và thiếu tôn trọng phụ nữ”. Lời kiến nghị đã nhận được hơn 37.000 chữ ký tính đến ngày 9/1.

Tạp chí Nhật Bản bị chỉ trích dữ dội vì đăng bài xếp hạng những trường đại học có nữ sinh dễ dãi nhất - Ảnh 1.

Lời kiến nghị đến giờ có hơn 37 nghìn chữ ký (Ảnh: Insider)

Mới đây, đại diện tạp chí Spa! đã đưa ra lời xin lỗi chính thức: “Chúng tôi muốn gửi lời cáo lỗi vì dùng lời lẽ giật gân để thu hút độc giả. Chúng tôi xin lỗi vì đã tạo ra bảng xếp hạng với tên những trường đại học có thật, có thể khiến nhiều độc giả cảm thấy bị xúc phạm”.

Theo hãng tin AFP, bài viết gây tranh cãi của tạp chí Spa! viết về gyaranomi – những bữa party sử dụng bia rượu mà trong đó đàn ông sẽ trả tiền để phụ nữ đến tham gia.

Spa! cho rằng hình thức tiệc này rất phổ biến đối với nữ sinh đại học, và phía tạp chí cũng đã phỏng vấn một nhà phát triển ứng dụng giúp tìm kiếm những người tham gia tiềm năng. Tạp chí đã sử dụng thông tin phỏng vấn có được từ nhà phát triển này để tiến hành lập bảng xếp hạng.

Tạp chí Nhật Bản bị chỉ trích dữ dội vì đăng bài xếp hạng những trường đại học có nữ sinh dễ dãi nhất - Ảnh 2.

Nhiều sinh viên cảm thấy bị xúc phạm khi tên trường họ đang học có trong bảng xếp hạng phản cảm (ảnh minh họa: BBC)

Spa! khẳng định họ sẽ cố gắng lắng nghe những ý kiến trái chiều từ độc giả về bài báo, cũng như về chủ đề tình dục nói chung. Tuy vậy, họ chưa đưa ra thông báo về việc có thu hồi số báo đăng bài viết nhạy cảm hay không.

Trong số những nền kinh tế phát triển, Nhật Bản thường xếp hạng thấp khi thống kê số phụ nữ tham gia vào chính trường và công việc kinh doanh, những chiến dịch đòi quyền phụ nữ như #MeToo cũng rất chật vật để có thể lên tiếng ở nước này, theo AFP nhận định.

Năm ngoái, dư luận Nhật Bản từng xôn xao khi một trường đại học y dược danh tiếng thừa nhận hạ điểm thi đầu vào của thí sinh nữ, khiến tỷ lệ nữ sinh trong trường chỉ chiếm chưa đến 30%.

(Theo AFP)

 

 

 

 

 

5/5 - (1 bình chọn)
Đang tải...