Báo Nhật – Ở xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), có một ngôi trường mang tên một cô gái Nhật Bản xinh đẹp: Trường tiểu học Junko. Và đằng sau sự ra đời của ngôi trường đặc biệt này là một câu chuyện “cổ tích có thật” đầy cảm động.
Bố mẹ thực hiện di nguyện cuối cùng của con gái: Bay đến Việt Nam xây trường cho trẻ em nghèo xứ Quảng
Những ngày đầu tháng 12, chúng tôi tìm về Trường Tiểu học Junko (ở thôn Nhị Dinh 1, xã Điện Phước) để tìm lời giải cho sự tò mò về cái tên lạ lẫm của ngôi trường mà tôi vô tình được biết qua mạng xã hội.
Là người gắn bó với ngôi trường đặc biệt này từ những ngày đầu tiên, thầy Trần Công Trường – nguyên hiệu trưởng trường Junko chính là người hiểu rõ ngọn ngành. Nhớ lại ngày khai trường đầu tiên, thầy Trường xúc động cho biết, Junko Takahashi là sinh viên khoa quan hệ quốc tế, Trường Đại học Meiji Gakuin (Nhật Bản). Năm 1993, vừa tròn 20 tuổi, tranh thủ thời gian nghỉ hè, Junko cùng nhóm bạn sang Việt Nam tìm hiểu tư liệu để làm luận văn về sự phát triển của các nước Đông Nam Á.
Trường tiểu học Junko.
Bàn thờ Junko được đặt trang trọng trong phòng truyền thống của trường tiểu học mang tên cô.
Khi đặt chân đến vùng đất Quảng Đà (Quảng Nam – Đà Nẵng cũ – PV), Junko và bạn bè ấn tượng bởi nhận được tình cảm hiếu khách, mộc mạc từ những người dân quê nghèo khổ. Cũng nơi đây, cô nữ sinh xinh đẹp trăn trở khi chứng kiến những đứa trẻ phải đến trường trong điều kiện thiếu thốn, khó khăn trăm bề. Từ đó, Junko ước nguyện sau khi tốt nghiệp, đi làm sẽ dành tiền lương của mình, giúp đỡ các em học sinh Việt Nam có chỗ ăn học đầy đủ, tiện nghi hơn. Và tất cả những gì bắt gặp dọc đường, cô nữ sinh ấy đều ghi vào cuốn sổ nhật ký luôn mang theo bên mình.
Sau chuyến đi thực tế, Junko quay trở lại Nhật Bản và bắt đầu lên kế hoạch thực hiện ước mơ của mình. Nhưng trớ trêu thay, 1 tháng sau, Junko bất ngờ qua đời trong một tai nạn giao thông.
Thầy Trần Công Trường, xúc động khi nhớ lại những ngày đầu mình về làm hiệu trưởng trường Junko.
Ngỡ rằng, mọi dự định của nữ sinh này sẽ dang dở, thế nhưng trong ngày đám tang, cha mẹ của Junko đau đớn lần giở những trang nhật ký và biết được ước mơ của cô “con gái rượu”. Thế là, ông bà Junko Takahashi đã quyết tâm giúp con gái hoàn thành di nguyện ý nghĩa ấy.
Một thời gian sau, ông bà Junko Takahashi gom góp số tiền phúng điếu đám tang, tiền bồi thường bảo hiểm và tiền tiết kiệm của Junko tạo thành nguồn quỹ 100.000 USD (tương đương 1 tỷ đồng), lặn lội sang Việt Nam, chọn xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) để xây dựng một ngôi trường có 8 phòng, 1 nhà thi đấu và 1 công trình vệ sinh.
“Theo phong tục người Nhật, khi con gái tròn 20 tuổi, họ tổ chức lễ trưởng thành, cha mẹ sẽ cho một ít tài sản. Sau khi Junko chết, ngoài số tiền cha mẹ cho cùng với tiền tiết kiệm, tiền bồi thường bảo hiểm, tiền phúng điếu, ông bà Horotaro TaKahashi đã dành hết vào việc xây dựng Trường Tiểu học Junko và chi phí cho trang thiết bị của trường. Năm 1995, trong ngày trường khánh thành và khai giảng năm học đầu tiên, ông bà Junko Takahashi đã mang theo tấm di ảnh của cô con gái đến, chứng kiến giây phút ấy, nhiều người đã không kiềm được nước mắt vì xúc động…”, thầy Trường, chia sẻ.
Trường tiểu học Junko – dấu ấn tình yêu Việt Nam của cô sinh viên Nhật Bản.
Những hình ảnh về ngôi trường đặc biệt mang tên nữ sinh viên Nhật Bản ở tỉnh Quảng Nam.
Cũng theo thầy Trường, khi mới xây trường, cha mẹ Junko không hề có định bắt phải lấy tên con gái đặt cho trường, nên lúc đầu thì nơi đây chỉ là một phân hiệu của Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám.
Đến năm 2003, nơi đây trở thành địa điểm học chính của các học sinh tiểu học của xã Điện Phước và để ghi ơn người con gái Nhật Bản, điểm trường này đã được đổi tên thành Trường tiểu học Junko.
Ở trường, ai cũng được học về tiểu sử và câu chuyện về Junko
Những tưởng, khi ngôi trường xây xong là di nguyện của cô sinh viên dành tình yêu đặc biệt cho đất nước Việt Nam đã hoàn thành. Nhưng kỳ diệu hơn, vì cảm mến lý tưởng sống của Junko nên các thầy cô giáo và sinh viên của nhiều trường Đại học tại Nhật Bản đã thành lập Hiệp hội Junko, nhằm tiếp nối sứ mệnh dang dở của cô nữ sinh có tấm lòng nhân hậu.
Ông Matsuoka Yoshiki – Chủ tịch Hiệp hội Junko tại Nhật Bản, phát biểu tại một lễ khai giảng ở trường tiểu học Junko.
Các thành viên Hiệp hội Junko trao giấy khen, phần thưởng cho học sinh trường tiểu học Junko.
Càng trân trọng hơn, kể từ đó, cứ mỗi năm đến ngày khai trường, sinh viên Hiệp hội Junko đều lặn lội đến tận nơi trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Không chỉ vậy, đến năm 2000, cha mẹ và những người bạn của Junko lại tiếp tục quyên góp, xây thêm 5 phòng học trên tầng lầu, trị giá khoảng 200 triệu đồng vào thời điểm đó, cũng như hỗ trợ rất nhiều dụng cụ học tập, để giúp ngôi trường thêm khang trang hơn.
Đặc biệt, để chắp cánh ước mơ cho các thế hệ học trò, Hiệp hội Junko đã phối hợp với Trường Đại học Đà Nẵng thành lập chương trình học bổng du học Nhật Bản nhằm tạo điều kiện cho các em giao lưu, học hỏi thêm về ngôn ngữ và văn hóa Nhật.
Thầy Lê Quốc Hà cho biết, tất cả mọi vật dụng mà Hiệp hội Junko tặng, nhà trường đều cất giữ cẩn thận, trân trọng như những kỷ vật về tình hữu nghị và lòng thảo thơm của nước bạn.
Các em học sinh tiểu học nơi đây đều thuộc lòng tiểu sử về cô Junko.
“Mỗi năm, cựu học sinh trường tiểu sinh Junko thi đậu vào Trường Đại học Đà Nẵng và có thành tích học tập giỏi nhất sẽ được nhận học bổng sang Nhật Bản một năm. Tại đây, các em sẽ có thời gian một năm để học 12 tín chỉ tại Đại học Meiji Gakuin. Sau khi nhận bằng chứng nhận đã tham gia khóa đào tạo Kinh tế quốc tế sẽ trở về Việt Nam. Tính đến nay, đã có hơn 10 em là cựu học sinh Trường Tiểu học Junko được nhận học bổng này. Nhờ vậy, sau khi tốt nghiệp ra trường, hầu hết các bạn đều có việc làm ổn định…”, thầy Lê Quốc Hà, nói.
Để tưởng nhớ tấm lòng của cô nữ sinh Nhật, các thầy cô giáo đã dựng bàn thờ của Junko trong căn phòng truyền thống và hằng năm nhà trường đều tổ chức lễ tưởng nhớ ngày mất của cô theo phong tục của người dân địa phương. Khi mới vừa bước vào trường, các em học sinh đều phải học tiểu sử về Junko.
Yêu thương tiếp nối: Cựu học sinh ra trường vẫn làm tình nguyện viên tại Hiệp hội Junko, tiếp tục giúp đỡ học trò nghèo
Thầy Lê Quốc Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Junko chia sẻ, những ai đã từng giảng dạy và học tập tại ngôi trường này đều chung tâm trạng bùi ngùi, xúc động khi nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của trường. Nơi đây được xây dựng bằng trái tim nhân ái của những con người giàu lòng hữu nghị ở “đất nước mặt trời mọc”.
“Vào ngày 9/12 dương lịch hằng năm, cũng chính là ngày mất của cô Junko, thầy cô trong trường đều tổ chức một buổi lễ tri ân nhỏ, cùng nhau thắp nén nhang để tưởng nhớ về cô nữ sinh Nhật có tấm lòng lương thiện…”.
“Hồi đó người dân nơi đây còn rất khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, nên khi có ngôi trường mới này, ai cũng vui mừng cả. Cũng nhờ đó, các em học sinh đã có thêm điều kiện để học tập tốt hơn…”, cô Huỳnh Thúy (SN 1964), người gắn bó với trường tiểu học Junko hơn 20 năm qua, chia sẻ.
Sau hơn 20 năm được xây dựng từ di nguyện của cô sinh viên Nhật Bản xấu số, đến nay trường Tiểu học Junko được đầu tư khang trang và ngày càng hiện đại hơn.
Bạn Trần Thị Kim Oanh (SN 1993), sinh viên Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, từng nhận học bổng du học, chia sẻ: “Mình rất tự hào khi từng là học sinh của trường Junko, ngôi trường có dấu ấn tình yêu Việt Nam của một cô nữ sinh Nhật Bản. Nơi đây, đã mở ra cho mình nhiều cơ hội trong học tập. Dù bây giờ đã ra trường đi làm, nhưng mình cùng một số bạn vẫn là tình nguyện viên tại Hiệp hội Junko, tiếp tục giúp đỡ học trò nghèo vươn lên…”.
Suốt 23 năm qua, Trường Tiểu học Junko đã trở thành cầu nối, góp phần thắt chặt thêm tình cảm giữa nhân dân 2 đất nước Việt Nam – Nhật Bản. Và dù số phận của Junko yểu mệnh, ra đi khi mới tuổi đôi mươi, nhưng tên của cô thì hằng ngày vẫn được in trên ngực của nhiều thế hệ học trò nơi ngôi trường mang mình – nơi khắc ghi ghi tấm lòng nhân hậu và dấu ấn tình yêu Việt Nam của cô nữ sinh Nhật Bản.
Nguồn: Kenh14