Báo Nhật – Xử lý chất thải nhựa là một trong những mục tiêu dài hạn của Nhật Bản. Vấn đề này đang nhận được sự quan tâm lớn của chính quyền. Cùng với đó là các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng về sự nguy hiểm của rác thải nhựa tới môi trường và đời sống con người.
Luật cấm sử dụng túi nhựa đầu tiên
Một điều luật cấm sử dụng những sản phẩm nhựa cụ thể hiện chưa có. Tuy nhiên, tháng trước, Takahiro Katsuragawa, thị trưởng của Kameoka, đã công bố kế hoạch cho một sắc lệnh địa phương để cấm sử dụng những túi mua sắm nhựa dùng một lần phổ biến tại quầy thanh toán của các siêu thị.
Nếu được thông qua hội nghị thành phố, pháp lệnh địa phương của Kameoka, sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021. Nó sẽ cấm sử dụng túi nhựa tại khoảng 760 siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi trong thành phố. Khách hàng sẽ được khuyến khích mang theo túi thân thiện với môi trường của họ và được tặng túi giấy nếu họ không có túi. Các cửa hàng sẽ bị phạt nếu cung cấp túi nhựa.
Cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Kameoka diễn ra vào ngày 27 tháng 1 và lệnh cấm túi nhựa dự kiến sẽ là một trong những vấn đề chính đối với cử tri.
Chiến dịch hạn chế rác thải nhựa hiện tại
Điều thu hút được sự chú ý của dư luận là Katsuragawa kêu gọi cả các thành phố xung quanh như Kyoto cùng thông qua một sắc lệnh tương tự. Bởi lẽ Katsuragawa muốn hai thành phố cùng chung tay chống lại vấn đề cấp bách rác thải nhựa bị vứt bỏ trên sông, suối, và đường thủy kết nối Kameoka và Kyoto.
Thị trưởng Kyoto Daisaku Kadokawa dường như đã không chuẩn bị cho một lời đề nghị như vậy. Đầu tháng này, trong một hội nghị về biến đổi khí hậu tại Mỹ, ông cho biết rằng ông hiểu sự cần thiết của việc giảm rác thải nhựa. Nhưng đồng thời ông cũng chỉ ra rằng, ông không ủng hộ việc một thị trưởng đột nhiên thúc đẩy quyết định cấm túi nhựa.
Liệu Kameoka có thể đi đầu dẫn đường cho các thành phố khác? Sẽ thật tốt nếu người dân đồng thuận và tuân thủ được như vậy. Nhiều thị trưởng và hội đồng địa phương biết quá rõ về thiệt hại đối với môi trường từ rác thải nhựa, đặc biệt là túi nhựa. Nhưng hầu hết họ đều muốn dùng các phương tiện khuyến khích, để cử tri thay đổi thói quen một cách tự nguyện, thay vì thông qua luật pháp bắt buộc người dân phải thay đổi.
Đó dường như là chiến dịch hiện tại của thị trưởng Kadokawa đối với thành phố Kyoto – người luôn đi đầu tuyên truyền về việc giữ gìn thành phố xanh. Một vài ý kiến cho rằng thị trưởng cần thực hiện sớm hơn những biện pháp cụ thể để ngăn chặn tác động của rác thải nhựa đến môi trường. Lời đề nghị từ thị trưởng Kameoka lúc này đóng vai trò là một gợi ý hay, đáng cân nhắc.
Theo Japan Times