Báo Nhật – Số lượng người độc thân tăng lên tại Nhật Bản đã tạo ra một ngành công nghiệp chuyên phục vụ những người muốn có không gian riêng tư.
Đi hát karaoke một mình là xu hướng phổ biến của phụ nữ trẻ Nhật Bản và đang được ngành dịch vụ khai thác triệt để. Ảnh: lmaga.jp.
Tại các quán Karaoke Kan nhiều tầng tại quận Shimbashi, Tokyo, bạn sẽ thoải mái ca hát mà không lo chuyện bị cười khi hát sai nhạc, cũng như không cần trấn an bạn bè khi họ phá hỏng giai điệu bài hát, theo Guardian.
Bởi Karaoke Kan là một trong số các ngành kinh doanh đang tăng trưởng nhanh tại Nhật Bản chuyên phục vụ ohitorisama, còn gọi là khách hàng đi một mình.
Nếu như dịch đúng nghĩa của từ Karaoke, thì Karaoke có nghĩa là khoảng thời gian vui vẻ cùng với bạn bè, người lạ, và thậm chí là những người đang say, khi không quan tâm xem mình hát dở tệ đến mức nào. Tuy nhiên, với một số người thực sự muốn có giọng hát Karaoke thật hay trước khi biểu diễn trước đám đông, thì căn phòng này là câu trả lời.
Các căn phòng bao gồm một chiếc ghế, micro, tai nghe, và một màn hình nhỏ được hiển thị lời bài hát. Các phòng có giá khoảng 600 yên/mỗi giờ từ 10h sáng đến 6h tối tương đương 8$, và gấp đôi khi từ 6h tối đến 6h sáng hôm sau. Có một gói dịch vụ đặc biệt có giá 2.600 yên khi hát từ nửa đêm đến 5h sáng.
Không chỉ quán karaoke, nhiều tiệm ăn tại Nhật Bản cũng thiết kế những chỗ ngồi riêng cho những vị khách đi ăn một mình. Thậm chí, khách hàng còn được trải nghiệm bữa ăn mà hầu như không có tương tác với người khác, gọi món qua máy và ngồi tại khu vực riêng để thưởng thức.
“Chúng tôi đã tìm ra cách để khách hàng có thể thưởng thức ramen mà không bị làm phiền bởi ánh nhìn từ những người khác”, người phát ngôn của chuỗi nhà hàng mì nổi tiếng Ichiran Ramen ở thành phố Hakata, tỉnh Fukuoka cho biết. “Phái nữ đặc biệt ủng hộ ý tưởng này”.
Ngày càng nhiều người Nhật Bản có nhu cầu tránh tương tác với xã hội. Ảnh: Kyodo.
Ichiran Ramen cung cấp cho thực khách những phòng ăn độc lập, ngăn cách bởi các tấm gỗ, che chắn họ khỏi tầm nhìn của những thực khách ngồi cạnh.
Ở thành phố Hakata, chuỗi nhà hàng thịt nướng yakiniku West Co. tọa lạc tại những con đường chính với những bàn ghế lẻ dành cho khách hàng đi một mình. West Co. là địa điểm lý tưởng cho những người cần tìm kiếm bữa trưa riêng tư.
“Điều này rất tốt khi bạn có việc phải suy nghĩ hay cần tập trung vào ăn uống”, một nhân viên văn phòng chia sẻ.
Hiện tượng ohitorisama không chỉ giới hạn với nhà hàng và quán karaoke, mà còn mở rộng sang nhiều ngành khác như bowling, du lịch, rạp chiếu phim, trò giải trí ở công viên.
Tomoki Inoue, chuyên gia phân tích hành vi người tiêu dùng tại Viện Nghiên cứu NLI, nhận định việc mở rộng theo xu hướng phục vụ khách hàng cá nhân là cần thiết trong ngành công nghiệp nhà hàng, nơi có sự cạnh tranh gay gắt.
“Tình trạng kết hôn muộn và nhiều yếu tố khác dẫn đến sự gia tăng số người độc thân. Thị trường này đang ngày càng phát triển”.
Nhiều nam giới tại Nhật yêu thích các cô gái ảo. Ảnh: Personality cafe.
Theo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Dân số và An sinh Xã hội Nhật Bản, hơn một phần ba trong số 53 triệu hộ gia đình tại Nhật Bản là hộ đơn thân. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 40% vào năm 2040.
Số lượng người độc thân tăng lên đã tạo ra một ngành công nghiệp riêng, không chỉ phục vụ 18 triệu hộ độc thân, mà còn cho những người đã lập gia đình hoặc đang sống thử khao khát có quãng thời gian riêng tách khỏi bạn đời, những người lao động muốn tránh đồng nghiệp trong giờ nghỉ trưa.
Xu hướng này được thúc đẩy một phần do những thay đổi trong xã hội Nhật Bản, nơi mô hình gia đình truyền thống mà hai hoặc ba thế hệ sống chung một mái nhà đang dần suy yếu.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy tỷ lệ hộ gia đình có bố mẹ và con cái đang thu hẹp trong bối cảnh ngày càng ít người trưởng thành muốn thiết lập mối quan hệ lâu dài. Năm 1980, chỉ một trong số 50 người đàn ông Nhật Bản tới tuổi 50 vẫn chưa kết hôn và ở phụ nữ là 1/22 thì nay, tỷ lệ này là 1/4 nam và 1/7 nữ.