Báo Nhật – Takashi Nakamoto, ông chủ nhà hàng mì udon, là một trong số nhiều cựu thành viên xã hội đen khác ở Nhật Bản đang học cách hoàn lương để có cuộc sống mới tuân thủ pháp luật.
Từ trong nhà bếp, Takashi Nakamoto gửi lời chào thân thiện tới vị khách vừa bước vào nhà hàng, khuôn mặt anh ẩn hiện sau làn hơi nóng bốc lên từ nồi nước đang sôi.
Khi nhìn Nakamoto cắt tỏi tây và rưới nước lên mẻ mì udon một cách điệu nghệ, ít ai biết được rằng anh mới chỉ mở nhà hàng Daruma-ya ở phía tây nam thành phố Kitakyushu từ tháng 6/2017. Trước đó, cuộc sống của Nakamoto là một thế giới hoàn toàn khác.
Anh Takashi Nakamoto trong khu bếp của tiệm mì udon. Ảnh: Noboru Aoki |
Quá khứ “hoàng kim” của xã hội đen
Ngón tay út bị cụt là bằng chứng của ba thập niên Nakamoto sống trong thế giới ngầm Nhật Bản. Suốt thời gian đó, anh đã vươn lên từ cấp thấp nhất đến vị trí cao trong Kudo-kai, một trong những băng nhóm tội phạm bạo lực nhất xứ sở Mặt Trời mọc.
Anh vén áo phông lên và để lộ hình xăm trải dài trên lưng, vai và xuống cánh tay. “Là một tay xã hội đen (yakuza) không giống như làm nhân viên công ty hay có một nghề nghiệp – đó là một cách sống. Tôi là người thực sự ngông cuồng khi còn trẻ, vì vậy việc tham gia xã hội đen trở nên khá tự nhiên. Tôi sẽ làm bất cứ điều gì cho tổ chức của mình. Tôi là một tay xã hội đen nghiêm túc”, Nakamoto nói với Guardian.
Anh không khoe khoang quá lời, bởi khi còn là thành viên của Kudo-kai, anh đã nhiều lần phải lĩnh án tù, trong đó có bản án 8 năm vì tội tấn công vào một tiệm massage của người Trung Quốc. Tuy nhiên, giờ đây người đàn ông 52 tuổi này là một trong số nhiều cựu thành viên xã hội đen đang thoát khỏi thế giới ngầm để xây dựng cuộc sống mới tuân thủ pháp luật.
Băng nhóm cũ của Nakamoto, với hơn 600 thành viên, đã thực hiện một chuỗi những tội ác bạo lực vi phạm luật lệ yakuza truyền thống là tha cho “dân thường”. Tổ chức này đã giết người đứng đầu một hợp tác xã của ngư dân và tấn công bằng lựu đạn vào một lãnh sự quán Trung Quốc. Năm 2000, các thành viên Kudo-kai ném bom xăng vào nhà bầu cử của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Sau hàng loạt vụ xả súng, năm 2010, cơ quan cảnh sát quốc gia đã xác định Kudo-kai là “nhóm tội phạm đặc biệt nguy hiểm”. Người dân đã xuống đường kêu gọi các băng đảng rời khỏi khu vực trung tâm thành phố.
Anh Nakamoto từng là thành viên của băng đảng xã hội đen Kudo-kai. Ảnh: Noboru Aoki |
“Thông thường, yakuza không nhắm vào phụ nữ và dân thường, nhưng Kudo-kai thì khác. Người dân sẽ không đứng ra làm chứng hoặc cung cấp thông tin cho cảnh sát vì họ sợ cuộc sống bị đe dọa”, Masataka Yabu, người đứng đầu bộ phận chống tội phạm có tổ chức của thành phố Kitakyushu, nói với Guardian.
Sau hai thập niên Nhật Bản áp dụng chặt chẽ luật chống băng đảng và do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các nhóm yakuza bi thiệt hại nặng nề. Thành viên của Kudo-kai, giống như nhiều băng đảng yakuza khác, không còn c ó thể lộng hành được như họ muốn thời sau chiến tranh.
Những ông trùm giờ có thể bị buộc tội nếu thuộc hạ của họ gây ra tội ác, đồng thời cảnh sát đe dọa sẽ công khai danh tính từng cá nhân hoặc tổ chức làm ăn với xã hội đen. Nếu vi phạm nhiều lần, khoản tiền phạt có thể lên tới 500.000 yen (4.400 USD) cùng với một năm tù giam.
Hiện cuộc chiến chống lại tội phạm có tổ chức cũng được tiến hành tại Mỹ. Bộ tài chính Nhật Bản đã liệt các nhóm yakuza đội lốt nhiều công ty để thực hiện hành vi rửa tiền và che giấu lợi nhuận bất hợp pháp.
“Tôi gia nhập yakuza khi sức mạnh của xã hội đen ở thời hoàng kim. Đó không phải là vấn đề về tiền hay xe hơi, quần áo đắt đỏ… chúng tôi nghĩ rằng mình là hình tượng mẫu mực của những bậc trượng phu Nhật Bản, dám đối đầu với nguy hiểm để thực hiện mục đích của mình. Không ai muốn gây chuyện với chúng tôi”, anh Nakamoto nói.
Yakuza đã khiến chàng thanh niên Nakamoto, khi đó mới chỉ học cấp 3 và không có bố, được thực sự thuộc về một nơi nào đó. Đó là cảm giác mà anh không thể tìm thấy ngoài xã hội. Sau khi hợp tác với xã hội đen với tư cách người môi giới bất động sản, anh Nakamoto gia nhập Kudo-kai, làm vài công việc văn phòng, nấu ăn cho ông trùm (oyabun) Hideo Mizoshita, thu phí bảo kê và tìm nguồn cung ứng lao động giá rẻ cho các công ty xây dựng.
Hành trình hoàn lương “từ con số âm”
Năm 2008, khi đang ở trong tù, Nakamoto nhận được tin ông trùm Mizoshita đã chết. Cái chết của Mizoshita cùng sự dằn vặt lương tâm vì gây ra tội ác cho những cư dân vô tội khiến Nakamoto phải đặt câu hỏi về nghề nghiệp của mình. Cuối cùng, anh quyết tâm cắt đứt mối quan hệ với yakuza.
Giờ Nakamoto đã trải qua 4/5 năm giám sát sau khi ra tù. Trong thời gian này, anh không được phép mở tài khoản ngân hàng và thuê bất động sản, nhưng ít nhất anh cũng tìm được công việc với triển vọng phát triển lâu dài.
Cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy 80% nhà tuyển dụng không muốn thuê một nhân viên tiền thân là yakuza. Và dù cho tìm được việc làm, những cựu thành viên xã hội đen vẫn cảm thấy bị tẩy chay và phân biệt đối xử tại nơi làm việc, theo Noboru Hirosue, chuyên gia về xã hội học tại Đại học Kurume.
“Việc một yakuza cấp cao như Nakamoto rời bỏ xã hội đen là rất hiếm. Anh ấy phải đặt cả cuộc sống của mình lại phía sau và học cách khiêm tốn. Nakamoto ừng là người rất giàu có, nhưng giờ thì chắc chắn không phải vậy”, ông Hirosue nói.
Bát mì udon truyền thống của Nhật Bản tại nhà hàng của anh Nakamoto. Ảnh: Guardian/Noboru Aoki. |
Lực lượng cảnh sát và luật pháp được thắt chặt đang rung lên hồi chuông cảnh báo với các băng đảng xã hội đen Nhật Bản. Lượng thành viên yakuza xuống mức kỷ lục là 34.500 người vào năm 2017, giảm 4.600 người so với năm 2016, theo cơ quan cảnh sát quốc gia.
Tại quận Fukuoka – quê hương của Kudo-kai và bốn băng nhóm tội phạm lớn khác – số lượng thành viên giảm từ 3.720 người cách đây một thập kỷ xuống chỉ còn hơn 2.000. Để khuyến khích các yakuza đào tẩu khỏi tổ chức, chính quyền địa phương gần đây bắt đầu trợ cấp tiền cho những người mới hoàn lương để giúp họ thuê nhà và tìm việc làm mới.
“Chúng tôi phải tiếp tục khuyến khích yakuza từ bỏ công việc của họ. Họ nghĩ rằng sẽ phải hy sinh rất nhiều, nhưng khi được nhắc nhở về những điều khủng khiếp họ đã gây ra, các yakuza bắt đầu suy nghĩ lại. Nhiều người trong số họ muốn hoàn lương vì lợi ích cho vợ con”, Yabu nói.
“Yakuza ngoài đời thực không giống những người đàn ông đáng kính mà bạn thấy trong các bộ phim. Họ có được thiện cảm từ công chúng nhờ phân phát thức ăn và nước uống sau trận động đất lớn, nhưng không có thứ gì gọi là yakuza tốt cả”, Yabu nói thêm.
Nakamoto cảm thấy biết ơn dân cư trong khu phố vì đã nhìn nhận tích cực về anh trong quá trình hoàn lương từ một yakuza cấp cao trở thành ông chủ nhà hàng mì udon khiêm tốn. Những người xung quanh đã động viên tôi rất nhiều, đặc biệt là khi tôi cảm thấy muốn bỏ cuộc, anh Nakamoto nói.
“Tuy nhiên vận may không đứng về phía những người như tôi. Khi tôi từ bỏ xã hội đen không có nghĩa là tôi sẽ trở thành người bình thường như bao người khác. Tôi không bắt đầu từ con số không, mà bắt đầu từ con số âm”, anh nói với Guardian.
Nguồn: Zing.vn