Chiếc xô gỗ tưởng đơn giản mà có giá nghìn đô và câu chuyện hồi sinh ngành thủ công của nghệ nhân Nhật Bản

Báo Nhật – Cứ ngỡ sự đa năng của đồ nhựa tiện dụng đã khiến ngành thủ công chế tạo thùng gỗ xưa cũ của Nhật Bản lụi tàn. Vậy mà nhờ bàn tay khéo léo của nghệ nhân Shuji Nakagawa, nó lại hồi sinh, thậm chí là trở nên nổi tiếng khắp thế giới.

Với người Nhật, những chiếc xô bằng gỗ là một nét văn hóa khó từ bỏ từ thời xa xưa. Thùng gỗ Nhật Bản đã có lịch sử 700 năm, được sử dụng phổ biến trong cuộc sống thường nhật, từ múc nước đến đơm cơm, đựng gạo.

Khi truyền thống kết hợp với nghệ thuật đương đại

Vào năm 2017, các sản phẩm xô gỗ thủ công của Shuji Nakagawa – một nghệ nhân người Nhật Bản đã lọt vào chung kết Giải thưởng Thủ công Loewe uy tín được tổ chức ở Anh.

Chiếc xô gỗ tưởng đơn giản mà có giá nghìn đô và câu chuyện hồi sinh ngành thủ công của nghệ nhân Nhật Bản - Ảnh 1.

Shuji Nakagawa

Không như các thùng gỗ được dùng để múc nước mà bạn thường thấy trong các nhà tắm của xứ sở hoa anh đào, mỗi xô gỗ thủ công của Nakagawa đều là một tạo tác nghệ thuật. Chúng tinh tế đến nỗi không để lộ bất kỳ đường ghép nào.

Nhưng cũng như các thùng gỗ tiện dụng khác của người Nhật, xô gỗ của Nakagawa được chế tác từ gỗ bách Nhật Bản – loài cây thường được gọi là hinoki. Còn thùng gỗ được làm bằng gỗ bách thì được gọi là ki-oke.

Chiếc xô gỗ tưởng đơn giản mà có giá nghìn đô và câu chuyện hồi sinh ngành thủ công của nghệ nhân Nhật Bản - Ảnh 2.

Bước vào xưởng chế tạo thùng gỗ nghệ thuật của Nakagawa, mùi hương thơm hắc đặc trưng của họ nhà lá kim sẽ xông thẳng vào mũi. Nếu chỉ nhìn vẻ ngoài giản dị của những tạo tác bằng gỗ được bày trên la liệt trên bàn, bạn sẽ không bao giờ ngờ được rằng trị giá của chúng lại lên tới hàng ngàn dollar. Nếu đổi sang tiền Việt, chúng chí ít cũng ngoài 23 triệu/chiếc.

Duyên nợ với nghề

Từ thuở mới lên 10, Nakagawa đã hay quanh quẩn trong xưởng gỗ của ông nội – một thợ mộc nổi tiếng tên là Kameichi.

Năm 45 tuổi, Kameichi quyết định mở xưởng ki-oke, đặt tên là Nakagawa Mokkougei. Ngày nay, xưởng gỗ này vẫn còn hoạt động, được đánh giá là một trong những công ty mộc truyền thống chất lượng nhất Nhật Bản. Kiyotsugu, con trai của Kameichi và cha của Nakagawa, hiện đang nắm quyền điều hành.

Chiếc xô gỗ tưởng đơn giản mà có giá nghìn đô và câu chuyện hồi sinh ngành thủ công của nghệ nhân Nhật Bản - Ảnh 3.
Chiếc xô gỗ tưởng đơn giản mà có giá nghìn đô và câu chuyện hồi sinh ngành thủ công của nghệ nhân Nhật Bản - Ảnh 4.

Ban đầu, Nakagawa cực kỳ căm ghét cái ý nghĩ phải nối nghiệp của gia đình. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp khoa mỹ thuật của ĐH Seika (Kyoto), anh lại trở về xưởng gỗ cặm cụi học nghề, làm việc suốt từ 10-12 tiếng một ngày.

Năm 2003, Nakagawa tự mở xưởng riêng, dù nó vẫn chỉ là một nhánh của công ty mẹ. Xưởng của anh nằm trong một vùng nông thôn thuộc tỉnh Shiga, cách xưởng chính tầm 90 phút lái xe.

Qua thực tiễn, Nakagawa nhận ra đồ nhựa vừa rẻ vừa tiện dụng, lại có thể sản xuất hàng loạt từ lâu đã áp đảo đồ gỗ. Anh biết mình cần phải có một sự thay đổi triệt để.

“Ông và cha tôi không cần phải bận tâm đến điều này, bởi ở thời đại của họ nhu cầu với các sản phẩm gỗ vẫn còn nhiều. Nhưng ngày nay, tất cả đã khác. Mọi người không còn dùng ki-oke nữa,” – Nakagawa phân tích.

Khó giữ nhưng cũng không thể để vuột mất

“Đối với tôi, ki-oke không chỉ là một đồ vật mà còn là kỹ nghệ, bề dày lịch sử và là cả một triết lý trong mỗi sản phẩm nữa,” – Nakagawa nói tiếp.

Anh cho rằng nếu để nghệ thuật chế tạo xô gỗ thủ công truyền thống này biến mất, đó sẽ là một nỗi hổ thẹn lớn với lương tâm. “Chỉ cần có thể truyền lại cho thế hệ tiếp theo, tôi sẵn sàng thay đổi hình thức, hiện đại hóa ki-oke cho hợp với thị hiếu đương thời.”

Chiếc xô gỗ tưởng đơn giản mà có giá nghìn đô và câu chuyện hồi sinh ngành thủ công của nghệ nhân Nhật Bản - Ảnh 5.
Chiếc xô gỗ tưởng đơn giản mà có giá nghìn đô và câu chuyện hồi sinh ngành thủ công của nghệ nhân Nhật Bản - Ảnh 6.
Chiếc xô gỗ tưởng đơn giản mà có giá nghìn đô và câu chuyện hồi sinh ngành thủ công của nghệ nhân Nhật Bản - Ảnh 7.

Bản chất của một ki-oke là bất di bất dịch. Sự thay đổi bề ngoài chẳng qua cũng chỉ như thay cái vỏ mà thôi. Vừa là một thợ thủ công lại vừa là một nghệ sĩ đương đại, Nakagawa sớm tìm ra lối đi cho nghệ thuật chế tạo xô gỗ truyền thống. Trước đó, anh chỉ làm việc đơn độc, song gần đây, nghệ nhân này lại vui vẻ hợp tác với nhiều nghệ nhân và nhà thiết kế khác.

Thường thì Nakagawa chỉ mất khoảng 1 ngày để hoàn thành một sản phẩm. Tuy nhiên, đối với những tạo tác đã giành giải Loewe thì khác, phải tốn đến cả 1 tháng cho 1 chiếc.

Vượt ra ngoài ranh giới quốc gia

Sau chiến thắng tại Loewe 2017, xô gỗ mỹ nghệ của Nakagawa đã nổi tiếng khắp Châu Âu. Để sản phẩm ngày càng phổ biến rộng khắp hơn nữa, Nakagawa liền đồng ý hợp tác với OeO (hãng thiết kế nổi tiếng Đan Mạch), Denis Guidone (thiết kế gia người Ý), Hiroshi Sugimoto (nghệ sĩ đương đại nổi bật người Nhật) và Nendo (công ty thiết kế quyền lực hàng đầu Nhật Bản) nữa.

Sự hợp tác đa phương này cũng đưa đến một cách thức sử dụng xô gỗ mới: để ướp lạnh sâm banh (champagne). Trong 2 năm vừa qua, Nakagawa đã là nhà cung cấp chính thức cho hãng rượu Dom Perignon đắt đỏ của Nhật Bản.

Chiếc xô gỗ tưởng đơn giản mà có giá nghìn đô và câu chuyện hồi sinh ngành thủ công của nghệ nhân Nhật Bản - Ảnh 8.
Chiếc xô gỗ tưởng đơn giản mà có giá nghìn đô và câu chuyện hồi sinh ngành thủ công của nghệ nhân Nhật Bản - Ảnh 9.

Ngoài ra, anh còn bắt tay với Panasonic, hãng điện gia dụng danh giá, rất được ưa chuộng.

“Cái thú vị là tất cả chúng tôi hãy còn trẻ, đều mới chỉ tầm 30-40 tuổi mà thôi,” – Nakagawa hào hứng.

“Khi chúng tôi gặp nhau, chúng tôi nhận ra mỗi người đều có một cách thức riêng để quảng bá sản phẩm. Sự kết hợp này không giống như một kiểu bang hội cũ. Mỗi chúng tôi đều sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau. Xét ra thì nó giống như là một nhóm đa chức năng vậy.”

Song dù rất được ủng hộ ở cả ở trong lẫn ngoài nước, Nakagawa vẫn không có ý bắt con trai của anh (mới 7 tuổi) nối nghiệp. Nói ra điều này là vì Nhật Bản vốn có truyền thống giao trọng trách nối nghiệp gia đình cho con trai cả. Còn Nakagawa thì đã quyết định sẽ nhận thêm học viên và nhân viên, miễn họ có hứng thú với ki-oke và khát khao duy trì ngành nghề thủ công truyền thống này, không để nó bị tàn lụi.

Tham khảo: CNN

5/5 - (1 bình chọn)
Đang tải...